Việt Nam thiếu bác sĩ có tay nghề cao trong khi thừa nhân lực trình độ thấp, thành phố lớn đông nhân viên y tế còn vùng sâu xa lại thiếu trầm trọng.
Bác sĩ Nguyễn Hữu Tùng, Phó chủ tịch Hội Y tế tư nhân TP HCM cho rằng nguồn nhân lực y tế nước ta đang đứng trước cuộc khủng hoảng kép: "Thiếu nhưng lại thừa. Thiếu đội ngũ bác sĩ giỏi có tay nghề cao, ứng dụng công nghệ tốt, trong khi dư thừa nguồn nhân lực chất lượng thấp chưa qua đào tạo lâm sàng bài bản tại các bệnh viện lớn", bác sĩ Tùng nhận xét. Các thành phố có mức sống cao như Hà Nội, TP HCM thu hút lượng nhân viên y tế đông dẫn đến thừa, còn tại các tỉnh, huyện, xã vùng xa lại thiếu trầm trọng.
Theo thống kê của Bộ Y tế năm 2012, cả nước có hơn 400.000 nhân viên y tế, trong đó gần 66.000 bác sĩ, 17.400 dược sĩ. Ước tính tỷ lệ trung bình khoảng 7 bác sĩ trên 10.000 dân. Việt Nam được xếp vào nhóm những nước có tỷ lệ cao (hơn 5 bác sĩ/10.000 dân) song phân bố mất cân đối theo vùng miền. Tập trung đông nhất tại các thành phố lớn như TP HCM và Hà Nội tỷ lệ 14 bác sĩ trên 10.000 dân. Ở vùng nông thôn như Cao Bằng, Hà Giang và đồng bằng sông Cửu Long, Đông Nam bộ có khoảng 4-5 bác sĩ trên 10.000 dân.
Báo cáo tổng quan ngành y tế hàng năm (JAHR) cũng nhận định chất lượng nhân lực y tế phân bố mất cân đối theo vùng miền. Nhóm có trình độ cao như bác sĩ, dược sĩ đại học và sau đại học chủ yếu tập trung ở khu vực thành thị và trung tâm lớn thuộc tuyến trung ương, chiếm 14,5%, trong đó nhân lựctrình độ đại học 57,8% và sau đại học là 95,2% cả nước. Các địa phương, cán bộ y tế cũng tập trungđông hơn tại thành phố, thị xã (36,8%), sau đó mới đến tuyến huyện (27,6%), xã (21,1%).
Theo các chuyên gia, thực trạng dịch chuyển nguồn nhân lực y tế từ tuyến dưới lên tuyến trên, từ nông thôn ra thành thị, từ y tế công sang tư nhân đang là vấn đề đáng báo động, ảnh hưởng đến việc đảm bảo số lượng nhân lực tối thiểu ở các cơ sở y tế. Hệ lụy tất yếu là sự phân bổ nhân lực y tế ngày càng chênh lệch giữa các tuyến. Ngoài ra còn có sự mất cân đối ở các chuyên ngành. Những ngành "kém hot" thiếu nhân lực trầm trọng là y học dự phòng, y tế công cộng, nhi, truyền nhiễm, tâm thần, pháp y, giải phẫu bệnh, lao và phong, thanh tra an toàn vệ sinh thực phẩm, kỹ thuật viên y tế, kỹ sư chuyên về thiết bị y tế, thống kê y tế, quản lý bệnh viện.
Một số chuyên gia nghiên cứu y tế độc lập cho rằng có nhiều yếu tố đang tác động tới thị trường nhân lực y tế hiện nay. Chẳng hạn như tốc độ phát triển kinh tế, chênh lệch mức độ phát triển kinh tế giữa các khu vực, các chính sách khuyến khích phát triển y dược tư nhân. Bên cạnh đó, mức sống của người dân tăng lên dẫn đến sự thay đổi sở thích và yêu cầu từ phía người dùng dịch vụ y tế. Trong khi đó giải pháp cân bằng cung - cầu bằng cách lập kế hoạch đào tạo đủ nhân lực phù hợp với nhu cầu của các cơ sở y tế công lập không còn phù hợp nữa.
Lý giải sự chênh lệch nhân lực ngành y giữa các vùng miền, bác sĩ Hữu Tùng cho rằng đa phần người làm ngành y, nhất là các thầy thuốc giỏi sau khi học xong đều muốn có công việc ổn định ở một bệnh viện lớn trong thành phố. Do đó thầy thuốc ở thành thị đông còn vùng xa lại thiếu trầm trọng. Vì không tìm được bác sĩ giỏi nên người bệnh ở các vùng xa lại đổ về thành phố để khám chữa bệnh, góp phần gây tình trạng quá tải bệnh viện vốn là vấn đề nhức nhối hiện nay.
Để giảm sự chênh lệch nguồn nhân lực y tế, từ năm 2013 đến nay Bộ Y tế đã triển khai Dự án thí điểm bác sĩ trẻ tình nguyện về công tác tại miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, khu vực khó khăn. Thực hiện chế độ luân phiên có thời hạn đối với người hành nghề tại cơ sở khám chữa bệnh. Bộ cũng ban hành bộ Chuẩn năng lực cơ bản đối với thầy thuốc là cơ sở để đánh giá chất lượng nhân viên. Ngoài ra còn có một số chính sách ưu tiên phát triển các chuyên ngành đang thiếu nhân lực.
Phó giáo sư, tiến sĩ Trương Quang Bình, Phó giám đốc Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM, cho rằng y khoa là một ngành đặc thù và đòi hỏi cập nhật liên tục. Một bác sĩ không thể chỉ có một tấm bằng trong tay rồi hành nghề suốt đời, trái lại phải chủ động trau dồi kiến thức cũng như học hỏi phương pháp lâm sàng mới của thế giới. Bác sĩ, điều dưỡng bắt buộc phải tham gia các khóa đào tạo y khoa liên tục (CME) ít nhất 48 tiếng đồng hồ trong mỗi 2 năm. Trước và sau mỗi khóa học, họ trải qua vòng kiểm tra kiến thức mới được cấp chứng chỉ hoàn thành chỉ tiêu. Tiến sĩ Bình cho rằng đây là một trong những giải pháp hiệu quả giúp nâng cao chất lượng y bác sĩ cho TP HCM và các tỉnh thành.
0 nhận xét: